Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2015, lượng xi măng xây dựng và clinker của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang các thị trường đạt 7,14 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thu về 307,75 triệu USD, giảm 28% về lượng và 27,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
- Nguồn Báo xây dựng -
Cụ thể, tổng lượng xi măng và clinker xuất khẩu trong tháng 5/2015 đạt 1.078.254 tấn, giảm 33% so với tháng 4 và trị giá xuất khẩu thu về đạt 46.461.011 USD, giảm 31,3% so với tháng 4/2015.
Trong đó, Băngladesh là thị trường xuất khẩu, phân phối xi măng lớn nhất của Việt Nam, trị giá 111,67 triệu USD, chiếm 36,3% tổng trị giá xuất khẩu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu xi-măng, clinker lớn thứ ba trong khu vực Nam Á, chiếm khoảng 1,1% thị phần nhập khẩu xi-măng của toàn thế giới. Theo dự báo của Công ty tài chính IDLC, trong thời gian tới, ngành công nghiệp sản xuất xi-măng của Bangladesh sẽ tăng trưởng trong khoảng 5-10%/năm và bùng nổ với tốc độ 15-20% trong thời gian tiếp theo.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam sang Bangladesh quý I năm 2015 chỉ đạt 70,1 triệu USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong thời điểm được đánh giá là tập trung nhu cầu tiêu thụ xi măng cao nhất trong năm tại Bangladesh là dấu hiệu đáng lo ngại cho việc xuất khẩu nhóm hàng này.
Các nhà phân phối xi măng của Việt Nam hiện đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn bởi một số nhà xuất khẩu chính trong khu vực sẽ tăng lượng xuất khẩu khoảng 5 - 6 triệu tấn bởi nhu cầu trong nước thấp và dây chuyền mới đi vào hoạt động. Một nguyên nhân nữa cũng có tác động trực tiếp làm mất dần lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, đó là: tình trạng giá dầu thấp cùng với sự đình trệ của kinh tế thế giới, đặc biệt là các quốc gia lớn nhất châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... chênh lệch giá cước vận chuyển giữa Việt Nam và các quốc gia này không còn là lợi thế của xuất khẩu của Việt Nam như trước đây.