Năng lực cung ứng của ngành xi măng vừa được bổ sung khi Nhà máy Xi măng Đồng Lâm, công suất hơn 2 triệu tấn/năm, đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, được đưa vào vận hành cuối tháng 11/2014.
- Nguồn Đầu tư Bất Động Sản -
Nhà máy do Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm đầu tư xây dựng từ năm 2010, với tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng. Nhà máy cung cấp các chủng loại xi măng thông thường từ PCB 30, PCB 40, PCB 50 cho thị trường khu vực miền Trung.
Nếu như vào thời điểm 2 năm trước, việc bổ sung nguồn cung vào thị trường xi măng thông qua những nhà máy mới được đưa vào vận hành làm gia tăng thêm lo ngại về đầu ra, thì tại thời điểm này, mối lo ngại đó đã giảm đi nhiều, do đầu ra từ kênh xuất khẩu đang tăng mạnh, còn tiêu thụ nội địa đang giữ ở mức ổn định, với mức tăng từ 4-5%.
Cụ thể, hết 11 tháng năm 2014, xuất khẩu xi măng, clinker đạt 18,3 triệu tấn, dự báo cả năm sẽ vượt 20 triệu tấn. Tại thị trường nội địa, năm 2014 ước tiêu thụ đạt 48-49 triệu tấn.
Ông Lê Hồng Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm cho biết, Công ty đã ký hợp đồng phân phối chiến lược sản phẩm xi măng với các nhà phân phối tại miền Trung. Theo đó, Nhà máy Xi măng Đồng Lâm sẽ có đầu ra ổn định tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Trước đó, tháng 3/2014, Nhà máy Xi măng Xuân Thành (đóng tại Nam Giang, Quảng Nam) của Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 (Tập đoàn Xuân Thành) đã cho ra lò tấn xi măng đầu tiên. Đến nay, sau một thời gian vận hành, Nhà máy chạy 85% công suất, tiêu thụ đạt 60% sản lượng.
Cần phải nói thêm rằng, để sản phẩm của Nhà máy Xi măng Xuân Thành có đầu ra tốt, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra Công văn số 1747/UBND-KTN ngày 14/5/014 gửi Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện, Thành phố về việc hỗ trợ sử dụng xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh để xây dựng các công trình bê tông hóa mặt bằng đường giao thông nông thôn...
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc đưa thêm một số dây chuyền xi măng mới vào vận hành trong năm 2014 và dự kiến trong năm 2015 có thêm 2-3 dây chuyền nữa sẽ không làm khó ngành xi măng, bởi mức tiêu thụ trong năm 2015 dự kiến tiếp tục tăng ở cả 2 kênh nội địa lẫn xuất khẩu.
Tính đến thời điểm này, ngành xi măng đã có 75 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế 78 triệu tấn. Các dây chuyền mới được đưa vào vận hành trong năm 2015 sẽ nâng tổng công suất thiết kế của ngành xi măng lên 82-83 triệu tấn.
Những chuyển động tốt của thị trường xây dựng thời gian gần đây đã tác động tích cực đến tiêu thụ xi măng, giúp các doanh nghiệp trong ngành về đích sớm và đảm bảo các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận. Công ty TNHH một thành viên Vicem Hoàng Thạch cho biết, với 3 dây chuyền sản xuất, hết 11 tháng năm 2014, Công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ gần 4,3 triệu tấn sản phẩm, doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 315 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xi măng La Hiên cũng xác nhận, dù còn gần nửa tháng nữa mới kết thúc năm 2014, nhưng Công ty có đủ cơ sở để hoàn thành kế hoạch đề ra từ đầu năm, tiêu thụ 620.000 tấn sản phẩm xi măng, clinker, đạt tổng doanh thu trên 563 tỷ đồng.
Ước tính, hết năm 2014, tiêu thụ toàn ngành xi măng sẽ đạt khoảng 68 - 69 triệu tấn, vượt dự báo từ đầu năm khoảng 5 triệu tấn. Về triển vọng kinh doanh năm 2015, các doanh nghiệp sản xuất xi măng nhận định rằng, tình hình tiêu thụ sẽ tiếp tục ấm lên, giúp các doanh nghiệp ổn định dòng tiền, trang trải chi phí sản xuất, đầu tư, nhân công. Vì vậy, toàn ngành xi măng đang kỳ vọng sẽ tiêu thụ khoảng 73-74 triệu tấn trong năm tới, trong đó tiêu thụ nội địa 52 – 53 triệu tấn, xuất khẩu 21-22 triệu tấn.