Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 20,55 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 788,8 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 14,5% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2023. Giá xuất khẩu cũng giảm 11,6%, đạt trung bình 38,4 USD/tấn.
Riêng tháng 8/2024 xuất khẩu xi măng và clinker giảm trên 7% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 7/2024 và giảm 0,18% về giá, đạt gần 2,33 triệu tấn, tương đương trên 90,13 triệu USD, giá trung bình 38,7 USD/tấn; so với tháng 8/2023 thì giảm 14,3% về lượng, giảm 22,5% về kim ngạch và giảm 9,5% về giá.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu xi măng clinker sang thị trường Philippines giảm 1,8% về lượng, giảm 13% về kim ngạch và giảm 11,4% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023, là thị trường lớn nhất tiêu thụ xi măng clinker của Việt Nam, chiếm tới 26,1% trong tổng lượng và chiếm 27,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinhker của cả nước, đạt trên 5,35 triệu tấn, tương đương 214,3 triệu USD, giá trung bình 40 USD/tấn.
Xi măng clinker xuất khẩu sang Bangladesh – thị trường lớn thứ 2 đạt 4,18 triệu tấn, trị giá 133,9 triệu USD, giá trung bình 32 USD/tấn (tăng 5,2% về lượng nhưng giảm 11,4% về kim ngạch và giảm 15,8% về giá); chiếm 20,4% trong tổng lượng và chiếm 17% trong tổng kim ngạch.
Tiếp theo đó là thị trường Đài Loan chiếm 4,8% trong tổng lượng và chiếm 4,5% trong tổng kim ngạch, đạt 994.735 tấn, tương đương 35,55 triệu USD, giá 35,7 USD/tấn (giảm 17,2% về lượng, giảm 24,5% về kim ngạch và giảm 8,9% về giá).
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh. Các dự án chậm triển khai phải giãn hoặc hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự cao; tình trạng khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi) ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam Bộ làm cho nhu cầu sử dụng xi măng trong nước sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng tăng và khan hiếm như nguyên liệu bổ sung ô xít silíc, ô xít sắt, phụ gia bazan. Giá than, dầu, tro xỉ, phụ gia… ngày càng có xu thế đi lên, nhưng giá bán không tăng, thậm chí ngày càng giảm, khó có thể cạnh tranh. Nguồn cung và giá nhiên liệu nhiều thời điểm không ổn định làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu thay thế vẫn còn vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể để sử dụng các nguồn phế thải từ công nghiệp thay thế nguồn nguyên nhiên liệu trong sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ xi măng sụt giảm sâu, các nhà máy phải chấp nhận điều chỉnh giá bán theo biến động của chi phí sản xuất đối với một số dòng sản phẩm, dự án đặc thù để duy trì hoạt động.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính, thị trường phát thải carbon sẽ được áp dụng gây áp lực lớn lên ngành xi măng. Nhà đầu tư, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc xanh hóa trong sản xuất, đó là sử dụng nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thừa, xử lý rác thải…, tiến tới tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế cho than.